"Đội Đặc nhiệm" Sicherheitsdienst

Hồ sơ của SD còn thể hiện vài con số khác liên quan đến nạn nhân của tấn trò khủng bố ở Liên Xô, phụ trách bởi các Đội Đặc nhiệm (Einsatzgruppen) mà theo cách họ làm phải gọi là "Đội Thủ tiêu" thì đúng hơn. Con số đầu tiên được tiết lộ một cách cách tình cờ tại Tòa án Nürnberg.

Trước khi phiên tòa nhóm họp, Thiếu tá Whitney R. Harris của phía công tố Mỹ thẩm vấn Otto Ohlendorf về những hành động trong chiến tranh của anh này. Trong những năm cuối cùng của cuộc chiến Ohlendorf làm chuyên gia ngoại thương tại Bộ Kinh tế. Anh ta khai rằng ngoài một năm, thời gian còn lại anh làm việc ở Berlin. Khi được hỏi đã làm gì trong một năm này, anh đáp "Tôi cầm đầu Đội Đặc nhiệm D."

Là một luật sư và làm tình báo về những sự vụ Đức, lúc này Harris đã biết được ít nhiều về các Đội Đặc nhiệm. Thế nên, ông hỏi ngay:

"Trong năm cầm đầu Đội Đặc nhiệm D, đội của anh đã giết bao nhiêu đàn ông, phụ nữ và trẻ em?

Harris kể lại, Ohlendorf nhún vai và không hề chần chừ, trả lời:

"Chín chục nghìn!"

Ban đầu, Himmler và Heydrich tổ chức các Đội Đặc nhiệm để đi theo Quân đội Đức tiến vào Ba Lan năm 1939, và ở đây họ bắt giữ người Do Thái và đưa vào những khu biệt lập. Đến chiến dịch đánh Liên Xô, theo sự thỏa thuận với Quân đội Đức các Đội Đặc nhiệm đi theo để thực hiện bước đầu của "giải pháp cuối cùng." Bốn Đội Đặc nhiệm được thành lập cho mục đích này: A, B, C và D. Ohlendorf chỉ huy Đội D từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 6 năm 1942, được giao phụ trách vùng cực nam của Ukraina.

Trước Tòa án Nürnberg, khi được hỏi đã nhận lệnh gì, Ohlendorf trả lời:

"Lệnh là phải loại trừ người Do Thái và chính ủy của Liên Xô."

"Và khi anh nói ‘loại trừ,’ có phải anh muốn nói ‘giết’?

"Vâng, tôi muốn nói giết." Và Ohlendorf giải thích đấy là gồm cả phụ nữ và trẻ em.

CHÁNH ÁN: Lý do nào mà cả trẻ em cũng bị tàn sát?

OHLENDORF: Lệnh ban ra là phải tiêu diệt hoàn toàn dân Do Thái.

CHÁNH ÁN: Ngay cả trẻ em?

OHLENDORF: Vâng.

CHÁNH ÁN: Có phải tất cả trẻ em đều bị giết?

OHLENDORF: Vâng.

Khi trả lời thêm câu hỏi và viết bản cung khai, Ohlendorf mô tả:

Đội Đặc nhiệm đi vào một làng hoặc thị trấn, ra lệnh cho công dân Do Thái có địa vị tập hợp tất cả người Do Thái cho mục đích "tái định cư." Họ được yêu cầu giao lại mọi món có giá trị, và trước khi hành quyết được lệnh giao lại quần áo mặc ngoài. Họ được chở bằng xe tải đến nơi hành quyết, thường thường là rãnh đào chống tăng – lúc nào cũng đủ số người phải hành quyết một lúc. Cách này là nhằm duy trì thời gian ngắn nhất từ lúc nạn nhân biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ đến lúc thực hiện cuộc hành quyết.

Rồi đội hành quyết bắn họ, quỳ hoặc đứng, rồi ném xác họ xuống rãnh đào. Tôi không bao giờ cho phép bắn từng cá nhân, mà ra lệnh vài người bắn cùng lúc để tránh trách nhiệm cá nhân trực tiếp. Chỉ huy của các đội khác đòi nạn nhân nằm sấp xuống để bị bắn sau gáy. Tôi không chấp nhận phương pháp này.

"Tại sao?"

"Bởi vì, xét theo tâm lý học, đấy là gánh nặng mà cả nạn nhân và người thực hiện hành quyết không thể chịu đựng được."

không có ước tính số chính ủy của Liên Xô bị các Đội Đặc nhiệm hành quyết. Phần lớn các báo cáo của lực lượng SD gộp chung họ với người Do Thái. Trong báo cáo của Đội A đề ngày 15 tháng 10 năm 1941, có 3.387 "Cộng sản" trong tổng số 121.817 bị hành quyết, còn lại là người Do Thái.